Top 10 cao thủ truyện Kim Dung tổng hợp các nhân vật nổi bật nhất trong thế giới võ hiệp đa sắc màu của Kim Dung. Nhìn chung, các bậc đại cao thủ trong truyện Kim Dung phân chia thành hai phe: chính hoặc tà. Với chính phái, đó là những đại hiệp xả thân vì dân, cứu vớt kẻ yếu, còn tà phái là những nhân vật mưu mô, thâm hiểm với trí tuệ trác tuyệt. Hãy cùng khám phá top 10 cao thủ truyện Kim Dung nổi tiếng nhất hiện nay được tổng hợp dưới đây.
Vô danh thần tăng
Tên truyện: Thiên long bát bộ
Thể loại: Kiếm hiệp, tiên hiệp
Số chương: 100 chương
Vô danh thần tăng hay còn gọi là Tảo địa thần tăng (nhà sư quét lá) trong Thiên Long Bát Bộ là một trong những nhân vật được đề cập nhiều ở các cuộc bàn luận đi tìm đệ nhất cao thủ của truyện Kim Dung. Trong truyện, ông được miêu tả là nhà sư quét dọn Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự. Khi lão tăng xuất hiện, chẳng có ai nhận ra, thậm chí hòa thượng Thiếu Lâm Tự cũng không gọi ra được tên lão, chỉ biết đó là lão tăng phục vụ ở vào địa vị thấp nhất, quét chùa, làm việc tạp vụ, “chỉ cạo đầu mà không bái sư, không truyền võ công, không tu thiền định, không xếp thứ bậc trong Huyền, Huệ, Hư, Không”.
Trong Thiên Long Bát Bộ, Vô Danh chính là người có võ công siêu phàm nhất. Ông chỉ cần nhìn qua là biết võ công mà Cưu Ma Trí sử dụng chính là Tiểu Vô Tướng Công của Tiêu Dao Phái. Cưu Ma Trí dấu hai tay trong áo, ngầm vận Vô Tướng Kiếp Chỉ, thần không hay, quỷ không biết nhắm ngay nhà sư búng ra. Ngờ đâu chỉ lực chỉ đến cách nhà sư chừng ba thước liền đụng phải một bức tường mềm nhũn, nhưng cũng hết sức cứng rắn chặn lại, chỉ lực liền tan biến không còn dấu vết gì, nhưng cũng không bật ngược lại.Vô danh thần tăng được miêu tả: một tay đỡ đòn Hàng Long Thập Bát Chưởng của Tiêu Phong, hai tay đánh gục Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác. Không chỉ đạt cảnh giới võ học tối cao, nhà sư này còn am tường Phật pháp, y lý, khiến các cao tăng đại đức trong chùa cũng phải nghiêng mình kính phục.
Độc Cô Cầu Bại
Tên truyện: Thần điêu hiệp lữ
Thể loại: Kiếm hiệp
Số chương: 236 chương
Độc Cô Cầu Bại không hiện diện trực tiếp trong tiểu thuyết mà chỉ được hồi tưởng qua lời kể của các hậu bối. Ông được đề cập trong hai bộ tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ, Tiếu ngạo giang hồ và được nhắc đến ngắn gọn trong bộ Lộc đỉnh ký. Danh xưng Độc Cô Cầu Bại hàm ý về một cao thủ cô độc vì đã đạt đến trình độ đệ nhất, chỉ mong được một lần bại trận trong đời. Ông được mệnh danh là đệ nhất kiếm khách, bất bại kiếm ma, thiên hạ vô địch. Kiếm pháp của ông quỷ khốc thần sầu, biến hóa kỳ ảo, bác đại tinh thâm, trong nhu có cương công thủ lưỡng tề, với triết lý kiếm thuật sâu sắc. Dùng vô chiêu thắng hữu chiêu thảo trúc mộc đều là binh khí. Có thể nói trong thời đại Kim Dung thì Độc Cô Cầu Bại thật xứng với danh xưng kiếm khách vô địch. Cương kiếm, nhuyễn kiếm, trọng kiếm, năm thanh kiếm với triết lý kiếm học sâu sắc. Môn kiếm thuật đắc ý của ông là Độc Cô cửu kiếm cùng triết lý võ công “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Các nhân vật có thể coi là truyền nhân của Độc cô cầu bại là Dương Quá (Thần điêu hiệp lữ), Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ).
Cuối đời, ông chết trong buồn bã ở một sơn cốc, sau khi chôn các thanh kiếm tại kiếm mộ cùng các chú giải về triết lý dùng kiếm.
Đông Phương Bất Bại
Tên truyện: Tiếu ngạo giang hồ
Thể loại: Kiếm hiệp
Số chương: 225 chương
Là nhân vật phản diện số một trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, Đông Phương Bất Bại là giáo chủ của Nhật Nguyệt thần giáo – môn giáo bị xem là tà phái. Theo lời kể của Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại trong quá khứ là phó giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo dưới quyền giáo chủ của Nhậm Ngã Hành. Nhậm Ngã Hành vì mải mê luyện tập Hấp Tinh Đại Pháp nên đã giao toàn bộ công việc của giáo phái cho Đông Phương Bất Bại. Đông Phương Bất Bại đã quán xuyến rất tốt công việc của giáo phái khiến cho Nhậm Ngã Hành đặc biệt tin tưởng, nhờ đó sử dụng mật kế bắt giữ Nhậm Ngã Hành giam tại hắc lao dưới đáy Tây Hồ, giao cho Giang Nam tứ hữu canh giữ và chiếm ngôi giáo chủ từ tay Nhậm Ngã Hành.
Đông Phương Bất Bại lên nắm chức giáo chủ, lại mải mê luyện Quỳ Hoa Bảo Điển, sau khi “dẫn đao tự cung” trở thành người ái nam ái nữ, vì thế Đông Phương Bất Bại đã bỏ bê công việc của giáo phái khiến cho Nhật Nguyệt thần giáo nội bộ lục đục, chém giết lẫn nhau. Đông Phương Bất Bại không xuất hiện trực tiếp mà thông qua người khác điều hành, sử dụng bừa bãi Tam thi não thần đan khống chế giáo chúng.
Vì Đông Phương Bất Bại luyện Quỳ Hoa bảo điển nên việc đầu tiên là phải “dẫn đao tự cung” (tự thiến bộ phận sinh dục của mình). Do đó, Đông Phương Bất bại dù có võ công tuyệt thế nhưng lại bị trở thành con người ái nam. Đông Phương Bất Bại sống một mình trong tẩm cung như một hoàng hậu, mặc áo phu nhân, cầm kim chỉ, thích trang điểm như con gái, yêu thương một gã tên là Dương Liên Đình. Vì yêu Dương Liên Đình, Đông Phương Bất Bại đã giao toàn bộ quyền hành giáo phái cho hắn, và nghe lời hắn tàn sát đồng môn khiến cho giáo phái bị chia rẽ.
Nhân vật này nổi tiếng với Quỳ Hoa bảo điển, Đông Phương Bất Bại sau khi luyện thành Quỳ Hoa Bảo Điển thì võ công phi phàm, một mình đấu trên cơ với 4 đại cao thủ là Lệnh Hồ Xung, Nhậm Ngã Hành, Hướng Vấn Thiên và Thượng Quan Vân, duy chỉ có Lệnh Hồ Xung học được Độc Cô Cửu Kiếm nên có thể nhìn ra sơ hở của Đông Phương Bất Bại nhưng vì thân pháp của y quá nhanh nên chiêu thức chỉ trúng vào tàn ảnh. Chỉ đến khi Dương Liên Đình bị uy hiếp khiến Đông Phương Bất Bại mất tập trung thì y mới bị đánh bại. Đông Phương Bất Bại trước khi chết cầu xin Nhậm Ngã Hành tha mạng cho Dương Liên Đình nhưng bị từ chối, và đã đâm mù một mắt của Nhậm Ngã Hành trước khi bị Nhậm Ngã Hành kết liễu tính mạng.
Trương Tam Phong
Tên truyện: Ỷ thiên đồ long ký
Thể loại: Kiếm hiệp, tiên hiệp
Số chương: 76 chương
Trương Tam Phong là một trong những nhân vật có thật trong lịch sử Trung Hoa, được Kim Dung đưa vào sách. Ông tên thật là Trương Quân Bảo, lần đầu xuất hiện trong truyện Thần điêu hiệp lữ. Ông được sư phụ – Giác Viễn đại sư – truyền dạy một phần của Cửu Dương chân kinh. Cộng thêm với trí tuệ trác tuyệt, ông lập nên phái Võ Đang.
Trong truyện Ỷ thiên Đồ long ký, Kim Dung miêu tả ông là bậc tôn sư võ học ngoài 100 tuổi, nội công đã đạt đến “lô hỏa thuần thanh” (lửa trong lò đã hóa màu xanh, ngụ ý chỉ cảnh giới tối cao). Những năm cuối đời, ông sáng tạo ra môn Thái cực quyền và Thái cực kiếm. Nguyên lý của môn này lấy tĩnh chế động, lấy nhu khắc cương, tương phản với võ học đương thời.
Vương Trùng Dương
Tên truyện: Anh hùng xạ điêu
Thể loại: Kiếm hiệp
Số chương: 40 chương
Vương Trùng Dương mất trước khi thời đại Xạ Điêu bắt đầu. Những câu chuyện về ông thường được kể thông qua sư đệ Chu Bá Thông và các học trò của ông.
Theo đó, Vương Trùng Dương vốn khởi nghĩa chống quân Kim nhưng không thành. Ông quay về núi Chung Nam lập ra phái Toàn Chân. Ông lại có tình cảm với nữ hiệp Lâm Triều Anh nhưng không kết hôn, khiến nàng giận dỗi, chiếm lấy Hoạt tử nhân mộ của ông ở trên núi Chung Nam, từ đó hai người không nhìn mặt nhau.
Tại Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Vương Trùng Dương được bầu là người võ công cao nhất, hiệu là Trung Thần Thông, được giữ bộ Cửu Âm chân kinh. 4 người còn lại là Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng và Bắc Cái Hồng Thất Công.
Vương Trùng Dương xuất hiện lần đầu trong bộ Anh hùng xạ điêu, được miêu tả là người sáng lập phái Toàn Chân, từng nắm giữ Cửu Âm chân kinh – võ học cao nhất thời bấy giờ. Ở bộ Thần điêu hiệp lữ, nhân vật này tiếp tục được nhắc đến ở tình tiết Dương Quá đọc được một số võ công Cửu Âm chân kinh khắc trên tường đá Cổ Mộ. Ngoài đời, ông là nhân vật có thật – một đạo sĩ sống vào thế kỷ 12, đời nhà Tống.
Sau khi trở thành đệ nhất cao thủ và có được cuốn kỳ thư võ học Cửu Âm Chân Kinh, Vương Trùng Dương nhất quyết không luyện công phu ở trong đó. Nhưng vì lòng hiếu kỳ không thể kìm nén, ông đã một lần lật ra cuốn kinh thư đó để xem. Lúc đó ông là thiên hạ đệ nhất, chỉ đọc qua 1 lần mà hơn 10 ngày sau đó ông đã lĩnh ngộ được toàn bộ tình ý sâu xa được ghi chép trong kinh thư. Sau ông về Hoạt Tử Nhân Mộ khắc lại Cửu Âm Chân Kinh và cách phá giải Ngọc Nữ Tâm Kinh dưới thạch thất.
Khi Vương Trùng Dương bệnh cũ tái phát, ông cùng sư đệ Chu Bá Thông đến Đại Lý để truyền Tiên Thiên Công cho “nam đế”. Sau đó thì ông giả vờ chết, đợi đến lúc Âu Dương Phong đến cướp Cửu Âm, ông bật ra khỏi quan tài phang cho Âu Dương Phong trọng thương. Âu Dương Phong sợ hãi chạy về Tây Vực, Vương Trùng Dương cũng tạ thế từ đó.
Tiêu Phong
Tên truyện: Thiên long bát bộ
Thể loại: Kiếm hiệp, tiên hiệp
Số chương: 100 chương
Tiêu Phong hay Kiều Phong là một trong bộ ba nhân vật chính của Thiên long bát bộ, bên cạnh Đoàn Dự và Hư Trúc. Từng là bang chủ Cái Bang, ông nổi tiếng với Hàng Long Thập Bát Chưởng, là người rút gọn bộ chưởng pháp này từ 28 chiêu xuống còn 18 chiêu. Nhờ nền tảng nội lực thâm hậu và năng khiếu võ học, những môn nào ông thi triển đều đạt uy lực tối cao.
Thuở nhỏ có lần đang chơi đùa trên núi, Kiều Phong bị một con sói tấn công. Sư phụ Huyền Khổ của chùa Thiếu Lâm đi ngang cứu giúp, nhận Kiều Phong làm đệ tử và truyền dạy võ công. Sau này Kiều Phong được gia nhập Cái Bang và được bang chủ Uông Kiếm Thông truyền dạy Hàng Long Thập Bát Chưởng, một trong hai tuyệt học trấn bang. Tất cả những sự việc đó Kiều Phong tưởng là do duyên số nhưng sau này ông biết được do những cố nhân năm xưa ở Nhạn Môn Quan, phần vì muốn chuộc lỗi với cha mẹ ông, phần vì muốn rèn dũa ông nên người nên đã sắp đặt và thử thách ông như vậy.
Nhờ tài năng võ công siêu việt và bản sắc anh hùng hiệp nghĩa, đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách được giao, Kiều Phong được kế thừa chức vị Bang Chủ sau khi Uông Kiếm Thông qua đời. Kiều Phong được cả giang hồ kính nể về tài nghệ võ công lẫn nghĩa khí. Câu nói “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung” đã thành nổi tiếng không ai không biết trong chốn giang hồ (tên tuổi Kiều Phong được xếp ngang hàng với cả dòng họ Mộ Dung, một võ học danh gia ở Giang Nam).
Trong một lần tình cờ gặp Đoàn Dự tại quán rượu, do hữu duyên nên cả hai kết thành anh em kết nghĩa. Lúc này Kiều Phong vẫn chưa biết nguồn gốc mình là người Khiết Đan.
Trong yến tiệc chiêu đãi nhậm chức Bang Chủ, Mã phu nhân (vợ của Mã phó bang chủ Cái Bang) là một người đàn bà dâm tà, phải lòng Kiều Phong. Nhưng Kiều Phong lại không ngó ngàng làm Mã phu nhân sinh hận. Người đàn bà này dùng nhan sắc dụ dỗ một số người có chức trong bang và xúi chồng nói ra nguồn gốc Kiều Phong là người Khiết Đan cho thiên hạ biết. Từ đây Kiều Phong mới biết tên của mình chính là Tiêu Phong. Ông bị phế truất ngôi vị bang chủ. Tuy nhiên ông không oán hận một lời.
Người Khiết Đan và người Trung Nguyên đã có thâm thù từ lâu vì Khiết Đan luôn rình rập đánh chiếm Tống Triều. Người Trung Nguyên thường gọi người Khiết Đan là chó Liêu: “cẩu tặc Khiết Đan”. Nhưng do được nuôi nấng từ nhỏ ở Trung Nguyên, Kiều Phong một lòng bảo vệ Đại Tống.
Võ công của Tiêu Phong được miêu tả kỹ trong trận ác chiến tại Tụ Hiền Trang và chùa Thiếu Lâm.
Quách Tĩnh
Tên truyện: Anh hùng xạ điêu
Thể loại: Kiếm hiệp
Số chương: 40 chương
Quách Tĩnh là người khờ và chậm chạp, mồm mép vụng về, hơi ngốc nghếch. Ngoại hình: mày rậm, mắt to, mặt vuông vức đầy đặn, có tướng mạo của bậc đại trượng phu. Tính tình hào sảng, vô tư, chăm chỉ, chân thật, dũng cảm, hay làm việc nghĩa. Quách Tĩnh lớn lên tại Mông Cổ sau khi cha bị vương gia nước Kim Hoàn Nhan Hồng Liệt sát hại. Từ đó Quách Tĩnh lần lượt bái tướng giỏi của Thành Cát Tư Hãn (Triết Biệt); Giang Nam Thất Quái và Hồng Thất Công làm sư phụ. Chàng học võ công của họ trở thành một trong những người giỏi nhất đương thời, được người đời gọi là Bắc Hiệp. Môn võ công nổi tiếng của Quách Tĩnh là Hàng Long thập bát chưởng – võ công trấn phái của Cái Bang.
Quách Tĩnh lấy Hoàng Dung, con gái Hoàng Dược Sư (một trong Thiên hạ ngũ tuyệt) làm vợ, sinh được ba người con: Quách Phù, Quách Tương và Quách Phá Lỗ.
Nhờ Hoàng Dung, chàng liên tiếp được Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang truyền thụ Hàng Long Thập Bát Chưởng. Về sau, khi lên Đào Hoa đảo, chàng gặp Chu Bá Thông, được truyền thụ hai môn võ lợi hại là Song Thủ Hỗ Bác, bảy mươi hai lộ Không Minh Quyền và vô tình học được toàn bộ Cửu Âm chân kinh. Sang bộ Thần điêu hiệp lữ, võ công của chàng càng tiến triển, một mình chống lại binh đoàn Mông Cổ, đánh trả Kim Luân Pháp Vương – cao thủ phản diện trong truyện.
Võ công của Quách Tĩnh học được từ rất nhiều người, đầu tiên là từ Giang Nam thất quái. Được Mã Ngọc chân nhân (đại sư huynh của Toàn Chân Thất Tử) truyền dạy bí quyết luyện nội công của phái Toàn Chân khi còn lưu lạc ở sa mạc Mông Cổ. Sau là học được từ Hồng Thất Công môn Hàng Long Thập Bát Chưởng. Về sau lên Đào Hoa đảo, gặp được Chu Bá Thông, được ông truyền thụ hai môn võ lợi hại là Song Thủ Hỗ Bác và bảy mươi hai lộ Không Minh Quyền, lại bị Chu Bá Thông “chơi xấu” dạy Cửu Âm Chân Kinh.
Do tính cách cương nghị, khí phách nên Quách Tĩnh phù hợp hoàn toàn bộ chưởng pháp cương mãnh đệ nhất là “Hàng Long Thập Bát chưởng” (Quách Tĩnh cũng là số ít người sử dụng thành thạo bộ chưởng pháp này). Hàng Long thập bát chưởng là một trong 2 môn võ công trấn phái của cái bang song hành cùng Đả cẩu bổng pháp. Nhờ Hoàng Dung đã dụ Hồng Thất Công bằng những món ăn ngon nên ông đã truyền lại Hàng Long Thập Bát Chưởng lại cho Quách Tĩnh nhưng chỉ truyền 15 chiêu vì nếu truyền hết thì Quách Tĩnh sẽ là đệ tử của ông. Sở dĩ Hồng Thất Công lại có sĩ diện cao, thấy Quách Tĩnh tư chất vốn kém nên không muốn nhận làm đệ tử.
Quách Tĩnh là người duy nhất học và hiểu trọn vẹn bộ “Cửu Âm chân kinh”. Chu Bá Thông tìm hiểu lâu năm hơn cả (từ trong vô thức đã tự luyện võ công này) nhưng thiếu mất phần tổng cương chữ Phạn. Nam Đế, Bắc Cái luyện công chương chữ Phạn được dịch sang tiếng Hán nhằm chữa thương nhưng chỉ dừng ở đó. Vương Trùng Dương không luyện Cửu âm chân kinh mà chỉ học một đoạn để khắc chế Ngọc Nữ Tâm Kinh (chính đoạn này được khắc lại và về sau Dương Quá học được), như vậy cũng chỉ là một đoạn thiếu khuyết.
Sau này Quách Tĩnh học được thêm 72 lộ Không Minh Quyền của Chu Bá Thông, cương nhu kết hợp, lấy tinh túy của Cửu Âm chân kinh làm nền tảng, thuật “song thủ hỗ bác” độc nhất vô nhị. Về sau Quách Tĩnh tự nghiên cứu ra nhiều điều như trận pháp của Toàn Chân Thất Tử.
Năng lực của Quách Tĩnh rất mạnh nhưng chỉ thật sự ấn tượng trong bộ Thần điêu hiệp lữ. Một mình Quách Tĩnh vừa chống chọi rất nhiều binh sĩ Mông Cổ vừa đánh trả Kim Luân Pháp Vương; và nhiều lần một mình địch trăm người để bảo vệ thành Tương Dương. Chỉ có duy nhất Hoàng Dung (vợ Quách Tĩnh) mới thấu hiểu cách triển khai chiêu thức và cách vô hiệu hóa võ công của Quách Tĩnh mà thôi.
Quách Tĩnh tuy trí tuệ không có gì nổi trội nhưng cuối cùng võ công lại thuộc hàng đệ nhất. Thậm chí ông còn thông thạo nhiều tài nghệ khác như: đấu vật, bắn cung, binh pháp… Thông qua nhân vật Quách Tĩnh, nhà văn Kim Dung muốn gửi tới thông điệp rằng: một người có tính cách trung hậu, ý chí kiên cường, giàu lòng yêu nước thương dân thì luôn xứng đáng được hưởng những thành quả tốt đẹp nhất.
Dương Quá
Tên truyện: Thần điêu hiệp lữ
Thể loại: Kiếm hiệp
Số chương: 236 chương
Là nhân vật chính của Thần điêu hiệp lữ, với tư chất thông minh, từ đầu truyện, Dương Quá nhanh chóng học được nhiều môn võ của các cao thủ như Âu Dương Phong, Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư… Ngoài ra, Dương Quá còn có cơ duyên xem được Ngũ độc kỳ thư của Lý Mạc Sầu sau khi Dương Quá được Trình Anh cứu thoát khỏi tay Kim Luân Pháp Vương và lúc này Dương Quá đang dưỡng thương và ở cùng Trình Anh, Lục Vô Song. Trong sách có chép nhiều phương thuốc khắc chế và trừ các loại độc, chế ra hơi độc, luyện thuốc chữa độc. Nhờ chỉ dẫn của thần điêu, Dương Quá biết được cách luyện công của tiền bối Độc Cô Cầu Bại. Từ đó, võ công chàng tăng tiến, đạt đến cảnh giới rất cao. Trong 16 năm chờ đợi Tiểu Long Nữ, Dương Quá đã sáng tạo ra môn võ công Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng, sau đó đánh bại Kim Luân Pháp Vương trong trận chiến Tương Dương. Trong cuộc Hoa Sơn luận kiếm lần thứ ba, Dương Quá được tôn là Tây Cuồng – một trong Thiên hạ ngũ tuyệt (thay thế cho danh xưng Võ lâm ngũ bá)
Trương Vô Kỵ
Tên truyện: Ỷ thiên đồ long ký
Thể loại: Kiếm hiệp, tiên hiệp
Số chương: 76 chương
Trương Vô Kỵ là con trai của Võ Đang Trương Ngũ Hiệp Trương Thúy Sơn và Thiên Ưng Tử Vi đường chủ Ân Tố Tố (Ân Tố Tố là con gái của Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính nên Trương Vô Kỵ cũng là cháu ngoại của ông ta). Lúc mới sinh ra Trương Vô Kỵ đã sống trên Băng Hỏa đảo cùng với cha mẹ và nghĩa phụ Tạ Tốn. Cái tên Vô Kỵ được Tạ Tốn đặt theo tên đứa con đã bị Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn giết chết khi vừa mới chào đời. Cuộc đời của Trương Vô Kỵ trải qua nhiều trăm đắng ngàn cay, từ nhỏ đã phải chứng kiến cái chết của cả cha và mẹ, sau đó lại bị trúng Huyền Minh thần chưởng của Huyền Minh nhị lão tưởng như chết đi sống lại. Được Thái cực tôn sư Trương Tam Phong tìm mọi cách cứu chữa nhưng không thể nào giải hết được chất độc trong người.
Trương Vô Kỵ được Thường Ngộ Xuân (một nhân vật có thật đã phò tá Chu Nguyên Chương xây dựng nên triều nhà Minh) dẫn đến Hồ Điệp cốc để gặp “Thần y” Hồ Thanh Ngưu để chữa hàn độc trong người. Sau đó Trương Vô Kỵ với bản tính thông minh đã lĩnh hội toàn bộ y thuật của Hồ Thanh Ngưu và trở thành một lang trung giỏi. Vốn tính hiền lành, lại sống nhiều năm ở hoang đảo nên Trương Vô Kỵ bị cha con Chu Trường Linh lừa gạt. Họ Chu đã dùng tình cảm cha con của Trương Vô Kỵ cùng với sắc đẹp của con gái Chu Cửu Chân để dụ Vô Kỵ nói ra tung tích của Tạ Tốn. Rất may là Trương Vô Kỵ đã tình cờ phát hiện ra âm mưu thâm độc này và bỏ trốn rồi bị đuổi tới vực thẳm và rơi xuống cùng Chu Trường Linh. Vô Kỵ đã may mắn bò vào được một sơn cốc thông qua một cái hang mà Chu Trường Linh không thể qua được vì người quá to. Tại đây Trương Vô Kỵ đã vô tình luyện được Cửu Dương Chân Kinh lấy được trong bụng con bạch hầu và hàn độc của Huyền Minh thần chưởng cũng tiêu tan.
Sau khi ra khỏi cốc, lại một lần nữa Trương Vô Kỵ lại bị Chu Trường Linh dùng kế đẩy xuống vực sâu nhưng may mắn chỉ bị gãy chân còn Chu Trường Linh đã bị kẹt lại trong hốc đá mà chết.
Trương Vô Kỵ gặp được Ân Ly, là anh em con cậu của mình và được cô ta chăm sóc vết thương, sau đó đụng độ với phái Nga Mi và nhận ra người quen cũ là Chu Chỉ Nhược, cô gái từng chăm sóc cho anh lúc còn nhỏ khi đi trên sông Hán Thủy cùng Trương Tam Phong. Trương Vô Kỵ đã gặp Dương Bất Hối và Tiểu Chiêu tại Quang Minh đỉnh, khi đó lục đại môn phái đang vây đánh Minh giáo và Minh giáo đang rơi vào cảnh khó khăn trăm bề. Nhờ Tiểu Chiêu, Trương Vô Kỵ đã học được tâm pháp tối cao của Tây Vực là Càn Khôn Đại Na Di. Sau đó nhờ tuyệt học này cùng với Cửu Dương thần công, Trương Vô Kỵ đã ra tay bảo vệ cho Minh giáo với việc đánh bại tất cả các cao thủ của lục đại môn phái.
Được quần hùng trong Minh giáo tôn làm giáo chủ thứ 34, Trương Vô Kỵ đã giúp cho Minh giáo từ một giáo hội được coi là ma quỷ trong mắt mọi người trở thành thủ lĩnh của cuộc chiến lật đổ nhà Nguyên đồng thời đưa Trương Vô Kỵ trở thành một người anh hùng kiệt xuất trong mắt hào kiệt giang hồ qua các trận chiến như Quang Minh đỉnh, giải cứu lục đại môn phái tại Vạn An tự, phá âm mưu “Tiên trừ Thiếu lâm, hậu diệt Võ Đang” của Triều đình nhà Nguyên.
Lệnh Hồ Xung
Tên truyện: Tiếu ngạo giang hồ
Thể loại: Kiếm hiệp
Số chương: 225 chương
Lệnh Hồ Xung có sở trường sử dụng kiếm thuật với bí kíp Độc cô cửu kiếm và là một trong những nhân vật được nhiều người yêu thích nhất trong các nhân vật chính trong các tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung.
Là nhân vật được yêu thích với trí thông minh, tính cách phóng khoáng, lãng tử, Lệnh Hồ Xung là bậc đại cao thủ về kiếm thuật. Chàng được thái sư thúc tổ Phong Thanh Dương truyền cho môn kiếm pháp Độc Cô cửu kiếm. Về sau, chàng mất hết võ công do trọng thương. Một lần vô tình bị giam dưới Tây Hồ, chàng học được Hấp Tinh đại pháp do Nhậm Ngã Hành ghi lại bí kíp. Từ đó, chàng chữa được chấn thương, võ công tăng vượt bậc. Sau này, Lệnh Hồ Xung còn được Phương Chứng đại sư – chưởng môn phái Thiếu Lâm – truyền cho Dịch Cân Kinh để chữa di chứng của Hấp tinh đại pháp.
Kết
Có thể thấy, top 10 cao thủ truyện Kim Dung đều là những nhân vật có võ công trác tuyệt, có trí tuệ phi phàm cùng với những màn giao tranh, đấu võ đầy hấp dẫn. Nếu bạn là fan của thể loại truyện kiếm hiệp, hãy đến với các bộ truyện của Kim Dung để cùng khám phá thế giới võ hiệp đầy kinh điển và vô cùng đặc sắc nhé!