Trầm cảm sau sinh đang là nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ hiện nay. Nếu không phát hiện và được chữa trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn tới nhiều hậu quả nguy hiểm cho cả người mẹ lẫn em bé.
Nguyên nhân dẫn tới trầm cảm sau sinh.
Thay đổi về nội tiết trong cơ thể: Phụ nữ sau khi sinh sẽ có sự thay đổi đột ngột của các hormon trong máu như estrogen và progestrogen khiến các mẹ cảm thấy mệt mỏi và muộn phiền. Bên cạnh đó, sự biến đổi nhanh chóng của nồng độ hormon tuyến giáp, huyết áp, hệ miễn dịch và những rối loạn trong chuyển hóa cũng là một nguyên nhân khiến tâm trạng của người mẹ càng thêm tồi tệ.
Sự áp lực về tâm lý: Sinh con là một việc thiêng liêng và vô cùng hạnh phúc đối với bất kỳ một bà mẹ nào. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những áp lực, gánh nặng về trách nhiệm làm mẹ, là những căn bệnh dễ mắc phải sau sinh như viêm nhiễm, tắc tuyến vú… Điều này khiến phụ nữ sau sinh thường xuyên chán nản, lo lắng và cảm thấy căng thẳng. Không những vậy, những mâu thuẫn về gia đình, thiếu sự chăm sóc của người thân hay bị thiếu hụt về tài chính cũng tác động tiêu cực đến tâm lý của họ.
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trầm cảm sau sinh ở người phụ nữ.
Dấu hiệu của trầm cảm sau sinh.
Những phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh thường không kiểm soát được suy nghĩ và hành vi của mình. Họ trở nên thờ ơ với con, với bản thân, không thèm chải chuốt cũng như chăm sóc cơ thể nên dễ bị rơi vào cảm giác mệt mỏi triền miên.
Mặt khác, những phụ nữ này thường xuyên cảm thấy lo lắng, căng thẳng dẫn tới bị mất ngủ, ăn uống không ngon miệng và suy nhược cơ thể. Họ thậm chí không còn có cảm giác thích thú với con, có cảm xúc tiêu cực như ghét bỏ con mình và họ lo sợ có thể làm hại con bất kỳ lúc nào. Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh luôn cảm thấy tội lỗi, không còn động cơ sống nên họ còn có thể nghĩ tới cái chết và việc tự sát.
Điều trị trầm cảm sau sinh bằng cách nào?
Trầm cảm sau sinh có thể được chữa trị bằng nhiều phương pháp khác nhau như sử dụng liệu pháp tâm lý, liệu pháp hormon và uống thuốc. Việc sử dụng các phương pháp này cần được sự hướng dẫn từ các bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn.
Để điều trị trầm cảm sau sinh, sự quan tâm chăm sóc và sẻ chia từ những người thân trong gia đình, nhất là người chồng đóng một vai trò quan trọng. Gia đình nên là chỗ dựa cho người phụ nữ, thường xuyên quan tâm và chia sẻ những gánh nặng và áp lực mà họ gặp phải khi mang thai và sinh con. Không nên trách móc, quấy rầy hay tạo ra không khí nặng nề. Thay vào đó, hãy an ủi và động viên họ nhiều hơn.
Cách tránh xa trầm cảm sau sinh.
Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh, vì thế ngay từ khi mang thai các bà mẹ nên chuẩn bị sẵn tâm lý và sức khỏe thật tốt cho quá trình “vượt cạn” của mình. Hãy nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, tránh xa căng thẳng và việc suy nghĩ quá nhiều. Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên tham gia các diễn đàn dành cho bà bầu để chia sẻ kinh nghiệm mang thai và chăm sóc con cùng nhau cũng như nên tập luyện yoga để giữ tâm trạng luôn được thoải mái.
Ngoài ra, khi mệt mỏi hoặc stress, bà bầu nên nghe nhạc hoặc mát xa cơ thể để luôn cảm thấy vui vẻ và yêu đời.
Thái Nghiên