Bú bình không còn xa lạ gì đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bên cạnh những yếu tố tích cực thì bú bình cũng mang lại những tác dụng phụ đối với trẻ.
Vậy những tác dụng phụ đó là gì? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
1. Gây sâu răng
Thông thường, nhiều trẻ em thường có thói quen ngủ ngay khi bú bình, việc ngậm bình sữa lúc ngủ sẽ làm chất đường lên men acid, tấn công và làm hư hại men răng. Nguyên nhân của việc này chính là do khi ngủ, chỉ có một lượng nước bọt được tiết ra, các chất đường có trong sữa sẽ đọng lại trên răng và làm thức ăn cho các vi trùng gây sâu răng hiện diện trong miệng. Sau đó, nó tiếp tục lên men acid phá hủy các răng.
Theo Ths.Bs. Đinh Thạc – Bệnh viện Nhi đồng 1, khi bị sâu răng trẻ sẽ đau nhức và gặp khó khăn trong việc ăn uống. Đặc biệt, nếu để sâu răng trầm trọng đến mức buộc phải nhổ răng sữa sớm sẽ làm các bé gặp nhiều khó khăn trong việc ăn uống, phát âm không chuẩn, răng mọc lệch, sâu răng vĩnh viễn hoặc làm răng vĩnh viễn có màu tối.
2. Dễ bị sặc
Sặc sữa là hiện tượng thường gặp khi cho bé bú sữa bình. Nguyên nhân có thể là do lỗ núm ở bình sữa quá to, làm sữa chảy xuống quá nhanh trẻ không nuốt kịp và gây ra sặc hoặc do tư thế bú bình không thích hợp (cầm ngang bình sữa, sử dụng vật kê bình sữa khi cho bé bú). Khi sặc sữa, bé thường đột ngột ho mạnh, sặc sụa, tím tái cộng thêm sữa trào ra miệng. Trong một số trường hợp nặng sặc sữa có thể khiến trẻ ngưng tim, ngưng thở và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Để hạn chế hiện tượng sặc sữa khi bú bình ở trẻ nhỏ mẹ cần chú ý đầu núm vú cao su không được đục quá rộng, tốt nhất đục 1-2 lỗ bằng đầu kim băng ở bên núm vú, nghiêng bình bú khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông, trẻ không mút phải nhiều không khí, dẫn đến nôn sau bữa ăn. Ngoài ra, mẹ không nên cho bé bú bình lúc ngủ, không trêu đùa với bé lúc bú và không cho bé ngừng bú ngay nếu bị sặc.
3. Gây hô răng và biến dạng xương hàm
Cùng với các thói quen như mút ngón tay, thở bằng miệng, cắn môi dưới, ngậm núm vú giả thì việc cho bé bú bình quá sớm cũng là nguyên nhân gây hô răng ở trẻ. Hầu như ít ai biết rằng nếu trẻ ngậm núm vú giả hoặc bú bình thường xuyên trong thời gian dài sẽ làm hàm răng của trẻ bị biến dạng, rất dễ bị những phát triển bất thường về hàm, cơ mặt, cung răng và lưỡi.
Khi bú bình quá lâu và thường xuyên sẽ tạo lực ép vào hàm làm cho răng và xương hàm phát triển lệch lạc. Điều đó có thể dẫn đến cấu tạo của hàm trên và hàm dưới không đều nhau, làm hàm trên trẻ bị nhô ra ngoài trẻ. Ngoài ra, bú bình có thể phá hủy về phía sau trên cả hàm trên và hàm dưới, gây co thắt và làm hẹp cung răng, dễ phát triển sai khớp cắn và tạo lực phá hủy lên hàm của trẻ đang phát triển.
Thảo Ly